Tuyến giáp là gì? Các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp

Cập nhật lần cuối: 25-07-24 bởi BS. Lê Lý Trọng Hưng

Hiện nay bệnh lý tuyến giáp đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt số ca mắc ung thư tuyến giáp chiếm 90% trong số ca bệnh ung thư nội tiết. Trong bài viết này Viện Giáp Vú Gan sẽ chia sẻ những thông tin chi tiết về tuyến giáp, cũng như các bệnh lý thường gặp và cách chẩn đoán chính xác.

Tuyến giáp là gì? 

Tuyến giáp có hình dạng giống như một con bướm và nằm ở phía trước của cổ, giữa đốt sống cổ thứ 5 và đốt sống ngực thứ 1. Vùng phía trước của tuyến giáp bao gồm da và cơ thịt, trong khi phía sau là khí quản. Tuyến giáp được tạo thành bởi hai thùy chính: thùy trái và thùy phải, được kết nối với nhau thông qua eo tuyến giáp.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết, đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Nó đảm nhiệm chức năng sản sinh ra các hormone cần thiết giúp điều hoạt các hoạt động của các cơ quan trọng như tim, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh,…Các loại hormone chính được tạo ra từ tuyến giáp là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và phát triển tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, tuyến giáp cũng tạo ra hormone calcitonin, có chức năng giảm lượng canxi trong máu. Sự sản xuất hormone từ tuyến giá quá ít hoặc quá mức cũng đều có thể gây ra bệnh lý gây ảnh hưởng sức khỏe.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất, ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi chất của cơ thể

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất, ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi chất của cơ thể

Chức năng của tuyến giáp

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động của toàn bộ hệ thống nội tiết cơ thể, và có những ảnh hưởng tích cực đối với nhiều khía cạnh khác nhau:

  • Tăng tốc chuyển hóa năng lượng: T4 và T3 đều đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích quá trình chuyển hóa năng lượng của tế bào. Điều này giúp tăng cường sản xuất ATP, nguồn năng lượng chính của cơ thể.
  • Tăng sản xuất protein: Hormone giáp cũng đóng góp vào quá trình tổng hợp protein, giúp duy trì và phục hồi tế bào cơ thể.
  • Tăng hoạt động của hệ thống thần kinh: Hormone T4 và T3 không chỉ tăng cường hoạt động của hệ thống thần kinh mà còn ảnh hưởng đặc biệt đến trí não, tăng sự tập trung và khả năng ghi nhớ.
  • Tăng sự phát triển và trưởng thành của cơ thể: Hormone giáp đóng vai trò trong việc điều chỉnh quá trình tạo xương và thúc đẩy sự tăng trưởng chiều cao cho trẻ em.
  • Tác động đến chức năng của tế bào và các cơ quan khác: T4 và T3 tăng cường tốc độ trao đổi chất, tăng sản sinh và điều tiết hormone tăng trưởng, tăng sản xuất hormone testosterone, hỗ trợ hấp thụ canxi, và giảm mức cholesterol trong máu, cùng nhiều tác động khác.

Những bệnh lý thường gặp liên quan đến tuyến giáp

Các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp thường gặp có thể kể đến như:

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tự miễn do rối loạn miễn dịch, là nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp tại Hoa Kỳ. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng thường thấy nhiều nhất ở phụ nữ trung niên.

Bệnh lý này xuất phát khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn nhầm, dần dần phá hủy tuyến giáp và làm giảm khả năng sản xuất hormone. Một số người có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, bao gồm cả cảm giác mệt mỏi, phiền muộn, táo bón, tăng cân nhẹ, da khô, tóc khô và mỏng, tái nhợt, kinh nguyệt không đều,…

 

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn, xuất phát từ sự rối loạn của hệ thống miễn dịch
Viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn, xuất phát từ sự rối loạn của hệ thống miễn dịch

Bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp còn được biết đến là bệnh Basedow, là một rối loạn của hệ thống miễn dịch gây ra việc tăng sản xuất hormone tuyến giáp. Gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể, bao gồm chức năng hệ thần kinh, sự phát triển của não, nhiệt độ cơ thể và các yếu tố khác. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.

Các triệu chứng mà cường giáp gây cho cơ thể như hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh, tăng tiết mồ hôi, sụt cân, mắt lồi,….

Bệnh suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để tham gia vào quá trình trao đổi chất. Mặc dù không gây đau đớn, nhưng suy giáp tạo ra nhiều biểu hiện khó chịu cho người mắc bệnh, bao gồm sưng mặt, rụng tóc, nhịp tim chậm, suy giảm trí nhớ, sưng khớp, đau nhức, yếu cơ, và cảm giác mệt mỏi.

Bướu cổ

Bướu cổ hay còn gọi là u tuyến giáp, thường xuất phát từ sự phì đại về kích thước của tuyến giáp. Bệnh này thường không tạo ra những triệu chứng rõ ràng, tuy nhiên có thể nhận biết qua những dấu hiệu như: vùng cổ sưng to, nuốt vướng, khó thở, khàn tiếng,…

Hình ảnh bệnh nhân bị bướu cổ
Hình ảnh bệnh nhân bị bướu cổ

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là tình trạng các tế bào trong tuyến giáp phát triển bất thường, dẫn đến sự hình thành của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính trong vùng tuyến giáp.

Có  4 dạng ung thư tuyến giáp, bao gồm: ung thư thể nhú, ung thư nang, ung thư thể tủy và ung thư không biệt hóa. Trong số này, ung thư không biệt hóa được coi là loại nguy hiểm nhất và đồng thời khó điều trị nhất, trong khi ung thư nhú chiếm tỷ lệ cao nhất với tiên lượng tốt.

Ung thư tuyến giáp là tình trạng các tế bào trong tuyến giáp tăng sinh một cách bất thường

Ban đầu, khi bệnh xuất hiện, không có triệu chứng đặc biệt rõ ràng. Tuy nhiên, khi tiến triển đến các giai đoạn sau, các dấu hiệu trở nên đa dạng hơn, bao gồm sưng hạch bạch huyết ở cổ, gây đau, khàn giọng, khó thở và khó nuốt.

Đây được xem là loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư khác, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể chữa khỏi lên tới 90%.

Với các thông tin Viện Giáp Vú Gan vừa chia sẻ trên, mong rằng người đọc hiểu rõ hơn về tuyến giáp cũng như các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, từ đó tránh được sự tiến triển của bệnh vào giai đoạn nặng. Quan trọng nhất, khi có bất kỳ nghi ngờ hoặc dấu hiệu bệnh nào xuất hiện, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế đáng tin cậy để được thăm khám.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *