Mắc bệnh cường giáp nên ăn gì để hỗ điều trị tốt nhất

Cập nhật lần cuối: 09-09-24 bởi BS. Lê Lý Trọng Hưng

Số lượng ca mắc bệnh cường giáp ngày càng gia tăng, với đối tượng mắc chủ yếu là phụ nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản từ 25 đến 35 tuổi. Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cường giáp.

1.Cường giáp là bệnh gì?

Cường giáp là hội chứng tuyến giáp hoạt động quá mức, xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone so với nhu cầu của cơ thể, dẫn đến sự gia tăng nồng độ hormone giáp trong máu. Tuyến giáp là một tuyến nhỏ có hình dạng như cánh bướm nằm phía trước cổ, tiết ra các hormone quan trọng như Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3), giữ vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh tăng trưởng, chuyển hóa và sự phát triển của cơ thể. Do vậy, bất kỳ sự rối loạn nào của tuyến giáp đều có thể tác động xấu đến hầu hết mọi khía cạnh của sức khỏe.

Tuyến giáp có hình cánh bướm ở phía trước cổ, tiết ra các hormone T3 và T4 để điều hòa trao đổi chất trong cơ thể

Theo bác sĩ Viện Giáp Vú Gan, nếu cường giáp không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn tim, yếu cơ, các vấn đề về xương, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Đặc biệt, trong thời gian mang thai, nếu bệnh không được kiểm soát, sức khỏe của cả mẹ và bé đều có thể bị ảnh hưởng.

Người mắc bệnh cường giáp có thể được điều trị bằng thuốc kháng giáp hoặc áp dụng liệu pháp phóng xạ qua việc uống i-ốt gắn chất phóng xạ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần đến can thiệp phẫu thuật tuyến giáp để điều trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu sẽ được cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại, độ tuổi và tiền sử bệnh lý của từng người.

Xem thêm: Cường giáp có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

2.Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh cường giáp

Mặc dù chế độ ăn uống không thể thay thế phác đồ điều trị chính thức, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị.

Theo các chuyên gia, việc tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý và bổ sung những thực phẩm hỗ trợ cho hoạt động của tuyến giáp có thể giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngược lại, việc tiêu thụ những thực phẩm không phù hợp có thể làm triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là những thực phẩm sau giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng tốt hơn:

2.1.Thực phẩm giàu kẽm

Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, cơ thể sẽ bị thiếu hụt khoáng chất kẽm, điều này gây cản trở quá trình phân chia tế bào và sự phát triển của cơ thể. Để bù đắp lượng kẽm thiếu hụt, bạn có thể bổ sung các thực phẩm như hạt bí ngô, hạt hạnh nhân và hạt óc chó vào chế độ ăn hàng ngày.

2.2.Thực phẩm giàu Vitamin D và Omega 3

Hai nhóm dinh dưỡng này đóng vai trò thiết yếu trong việc cân bằng hoạt động của tuyến giáp và nâng cao sức khỏe toàn diện. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ Canxi hiệu quả hơn, góp phần phòng ngừa loãng xương – một biến chứng phổ biến của cường giáp.

Cá hồi, một thực phẩm giàu cả Vitamin D và Omega 3, là lựa chọn tuyệt vời cho những người bị cường giáp. Bên cạnh đó, các loại nấm, trứng, hạt óc chó, dầu hạt lanh và dầu ô liu cũng cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng.

Thực phẩm giàu Vitamin D và Omega 3 rất tốt cho người bệnh cường giáp

2.3.Các loại quả mọng nhiều nước

Để hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp, bệnh nhân nên ưu tiên lựa chọn những loại trái cây như dâu tây, việt quất, kiwi, cam, và quýt. Những loại trái cây này giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa và giảm tình trạng viêm nhiễm. Đặc biệt, các dưỡng chất trong những loại quả này còn giúp cân bằng hormone tuyến giáp.

2.4.Thực phẩm chứa nhiều canxi

Để khắc phục triệu chứng rối loạn chuyển hóa canxi ở người cường giáp và giảm nguy cơ loãng xương, việc bổ sung dinh dưỡng từ sữa là rất quan trọng. Bạn có thể lựa chọn nhiều sản phẩm sữa thơm ngon và dễ hấp thu như sữa ít béo, sữa chua, và phô mai.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân thiếu enzyme tiêu hóa có thể gặp tình trạng đầy hơi hoặc khó tiêu khi tiêu thụ sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Trong trường hợp này, bạn có thể thay thế nguồn canxi từ rau xanh để đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.

Nên bổ sung thực phẩm giàu canxi để hỗ trợ quá trình điều trị cường giáp

2.5.Đạm thực vật

Bệnh nhân mắc bệnh cường giáp thường gặp phải tình trạng sụt cân nhanh chóng và rối loạn chuyển hóa. Để hỗ trợ cải thiện cân nặng và sức khỏe, việc bổ sung các thực phẩm giàu đạm thực vật như đậu lăng và đậu gà là rất hữu ích.

3.Bệnh nhân mắc bệnh cường giáp nên kiêng ăn gì?

Ngoài việc nắm rõ những thực phẩm có lợi cho bệnh nhân cường giáp, cũng cần chú ý đến những món ăn nên tránh. Các loại thực phẩm dưới đây có thể làm tuyến giáp hoạt động quá mức, làm gia tăng nguy cơ biến chứng:

  • Thực phẩm chứa nhiều i-ốt: Iot kích thích hoạt động của tuyến giáp, điều này không thuận lợi cho những bệnh nhân bị cường giáp. Vì vậy, những người mắc bệnh này nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu Iot như hải sản, rong biển, và tảo bẹ.
  • Đồ uống chứa cafein, chất kích thích: bệnh nhân mắc cường giáp có thể trải qua tình trạng lo âu gia tăng, nhịp tim nhanh, căng thẳng và cảm giác khó chịu khi tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống chứa caffeine và các chất kích thích như cà phê, nước ngọt, bia hoặc rượu.
  • Thực phẩm chứa hàm lượng đường cao: Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, nó gây ra sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, làm cho việc kiểm soát lượng đường huyết trở nên khó khăn hơn. Do đó, những người bị cường giáp nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt, và các món ăn ngọt khác.
  • Các loại chất béo bão hòa: là chất béo “xấu”, thường đông lại ở nhiệt độ thường và có trong thực phẩm chiên, rán. Chúng cản trở sự hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp và giảm khả năng sản xuất hormone thyroxine (T4). Do đó, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cường giáp hạn chế các thực phẩm béo như bơ thực vật, sốt mayonnaise và món chiên, rán.

Trong quá trình điều trị, việc hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm trên là vô cùng quan trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị và bảo vệ sức khỏe.

Bệnh cường giáp làm tăng cường chuyển hóa, khiến cơ thể dễ dàng mất đi các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất như sắt, kẽm và magie. Vì vậy, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống phong phú và đầy đủ dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong việc điều trị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *