Chế độ ăn cho người bệnh tuyến giáp giảm nguy cơ trở nặng 

Cập nhật lần cuối: 12-08-24 bởi BS. Lê Lý Trọng Hưng

Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Thiếu i-ốt có thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp, do đó người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để bảo vệ sức khỏe. Vậy chế độ ăn người bệnh tuyến giáp như thế nào để giảm nguy cơ trở nặng? Cùng xem những thông tin mà Viện Giáp Vú Gan chia sẻ bên dưới.

1.Bệnh tuyến giáp là bệnh gì?

Tuyến giáp, nằm ở phía trước cổ giữa khí quản và thanh quản, tham gia vào quá trình sản xuất và tiết ra các hormone như Thyroxine (T4), Triiodothyronine (T3), và Calcitonin. Các hormone này có nhiệm vụ điều chỉnh nhịp tim, huyết áp, kiểm soát quá trình trao đổi chất và điều hòa thân nhiệt.

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ giữa khí quản và thanh quản

Bệnh tuyến giáp là nhóm bệnh phát sinh do sự rối loạn trong việc sản xuất hormone tuyến giáp. Khi lượng hormone sản xuất ra quá ít, có thể dẫn đến suy giáp, trong khi việc tiết ra quá nhiều hormone sẽ gây ra cường giáp. Bên cạnh đó, còn có một số bệnh lý khác liên quan đến tuyến giáp mà không phụ thuộc vào việc sản xuất hormone, chẳng hạn như bướu giáp (nhân giáp) và ung thư tuyến giáp.

2.Bệnh tuyến giáp có nguy hiểm không?

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng đối với mọi hoạt động của cơ thể. Sự rối loạn chức năng hormone do bệnh lý tuyến giáp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm loãng xương, tổn thương thần kinh ngoại biên, suy giảm thị lực, bệnh tim mạch, và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Bệnh tuyến giáp thường tiến triển một cách âm thầm với những triệu chứng không rõ ràng, khiến nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Điều này không chỉ làm cho việc điều trị trở nên khó khăn mà còn gia tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng phức tạp. Đặc biệt, khi ung thư tuyến giáp được chẩn đoán muộn và các tế bào ung thư đã di căn, tiên lượng xấu.

 

Khi nhận thấy cổ to bất thường, khó nuốt, khó thở… cần tầm soát bệnh tuyến giáp

Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh tuyến giáp mà không được điều trị kịp thời và đúng cách, nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc tiền sản giật sẽ tăng cao. Hơn nữa, các bệnh lý về tuyến giáp ở phụ nữ mang thai đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ. Trong giai đoạn này, thai nhi không thể tự sản xuất hormone tuyến giáp và hoàn toàn phụ thuộc vào cơ thể mẹ để nhận hormone này.

Sự thiếu hụt hoặc rối loạn hormone tuyến giáp từ mẹ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển và hình thành các cơ quan của thai nhi. Do đó, trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị bệnh tuyến giáp có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ hoặc mắc các bệnh tim bẩm sinh.

Xem thêm: 8 dấu hiệu của bệnh tuyến giáp ở nữ

3.Vai trò chế độ dinh dưỡng đối với người mắc bệnh tuyến giáp

Các bệnh lý về tuyến giáp bao gồm nhiều tình trạng như cường giáp, suy giáp, nang tuyến giáp, rối loạn tuyến giáp, và u tuyến giáp, mỗi loại có triệu chứng và yêu cầu điều trị khác nhau.

Bác sĩ Viện Giáp Vú Gan khẳng định rằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh lý tuyến giáp. Một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý không chỉ giúp kiểm soát sự rối loạn hormone tuyến giáp, nâng cao sức khỏe tổng thể mà còn duy trì và tăng cường chức năng của tuyến giáp một cách hiệu quả.

3.1.Người mắc bệnh tuyến giáp nên hạn chế ăn gì?

Để bảo vệ sức khỏe và kiểm soát bệnh tuyến giáp, việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý là rất quan trọng, giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng hoặc tái phát. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người mắc bệnh tuyến giáp nên hạn chế tiêu thụ để cải thiện tình trạng sức khỏe:

  • Các loại thực phẩm chế biến sẵn: chứa nhiều calo rỗng, một số chất phụ gia gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, thức ăn nhanh chứa hàm lượng chất béo cao, có thể làm chậm quá trình sản xuất thyroxin của tuyến giáp hoặc giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị.
  • Ăn sống các loại rau họ cải: như bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, cải xoăn, củ cải, cải ngọt… chứa nhiều hợp chất glucosinolate. Chất này có khả năng ức chế quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp bằng cách giảm sự hấp thụ iốt. Vì thế khi ăn chúng ta phải nấu chín kỹ.
  • Nội tạng động vật:  không chỉ là nơi chứa đựng nhiều vi khuẩn, mà còn chứa các axit bão hòa và cholesterol có thể gây hại cho tuyến giáp, thậm chí làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị. Để ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, tốt nhất là bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại nội tạng động vật.
  • Lúa mạch, lúa mì: Gluten xuất hiện trong các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen và lúa mì, là thành phần chính trong nhiều loại bánh mì, ngũ cốc và mì ống. Đây là hoạt chất làm giảm khả năng tiêu hóa và chức năng miễn dịch của cơ thể. Do đó mà các loại thực phẩm này được khuyến cao kiêng sử dụng với các bệnh nhân bị bệnh tuyến giáp. 
  • Cà phê, bia rượu: chứa caffein, chẳng hạn như cà phê, trà, soda, và socola, có thể làm tăng cường các triệu chứng của bệnh cường giáp, gây cảm giác khó chịu và làm tim đập nhanh. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, hãy cân nhắc hạn chế hoặc tránh hoàn toàn những loại đồ uống này. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn nước ép, rượu táo nóng, hoặc trà thảo mộc tự nhiên như một sự thay thế.

Người mắc bệnh tuyến giáp cần hạn chế ăn bông cải sống

3.2. Bệnh tuyến giáp nên ăn gì để hỗ trợ điều trị

  • Thực phẩm giàu i-ốt

I-ốt giúp cân bằng nội tiết tố tuyến giáp và giảm nguy cơ hình thành khối u. Thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, hải sản tốt cho người bị bướu giáp nhưng không phù hợp cho bệnh nhân cường giáp. Cần bổ sung i-ốt hợp lý và tham khảo ý kiến bác sĩ khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ. Lạm dụng i-ốt có thể làm tình trạng tuyến giáp nặng hơn, do đó cần kiểm soát lượng i-ốt mỗi ngày.

  • Rau lá xanh

Chế độ ăn của người mắc ung thư tuyến giáp cần tăng cường các loại rau lá xanh, vì chúng giàu magie và khoáng chất, cung cấp dưỡng chất tuyệt vời giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp và toàn cơ thể một cách hiệu quả.

Người bệnh tuyến giáp có thể thêm vào thực đơn các loại rau xanh đậm như rau mồng tơi, rau diếp cá, rau muống… để đảm bảo cơ thể nhận đủ magie, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng như đau cơ, mệt mỏi, và nhịp tim không đều.

  • Các loại hạt

Các loại hạt phổ biến như hạnh nhân, hạt điều, và hạt bí là nguồn cung cấp magie tuyệt vời cho cơ thể. Chúng còn giàu protein thực vật, vitamin B, vitamin E và các khoáng chất khác, giúp hỗ trợ hoạt động hiệu quả của tuyến giáp.

  • Các loại trái cây tươi

Đây là một nguồn cung cấp tuyệt vời các vitamin và chất chống oxy hóa cho cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ loại vitamin này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật. Vì vậy, người mắc u tuyến giáp lành tính nên thêm trái cây tươi vào chế độ ăn hàng ngày của mình.

  • Rong biển

Rong biển là nguồn giàu i-ốt, do đó rất thích hợp cho những người mắc bệnh tuyến giáp. Tuy nhiên, vì giá trị dinh dưỡng của rong biển rất cao, người bệnh nên tiêu thụ một cách hợp lý, chỉ khoảng 1 lần mỗi tuần. Mặc dù i-ốt trong rong biển có lợi, việc bổ sung quá nhiều có thể gây hại. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh lượng i-ốt phù hợp với cơ thể.

  • Thịt gà

Thịt gà là một nguồn cung cấp protein và kẽm lành mạnh. Đặc biệt, kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hormone tuyến giáp, vì vậy, người mắc bệnh tuyến giáp có thể cân nhắc bổ sung thịt gà vào chế độ ăn uống của mình.

Thịt gà giàu protein, kẽm rất tốt cho người bệnh tuyến giáp

  • Trứng

Trứng là nguồn cung cấp dồi dào i-ốt, selen, axit béo omega-3, cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu khác, rất có lợi cho sức khỏe của tuyến giáp và hỗ trợ hệ miễn dịch. Tuy nhiên, dù trứng có nhiều lợi ích, người bệnh không nên sử dụng quá mức. Một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng các loại thực phẩm là cần thiết để cải thiện sức khỏe toàn diện hơn.

Ngoài việc lưu ý về chế độ ăn uống để quản lý bệnh tuyến giáp, người bệnh cũng cần phải thường xuyên thăm khám để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thăm khám định kỳ còn giúp phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm, từ đó bảo vệ sức khỏe người bệnh hiệu quả hơn.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *