Cường giáp có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 

Cường giáp là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng hormone tuyến giáp sản xuất quá mức trong cơ thể. Tuyến giáp đảm nhiệm vai trò quan trọng chuyển hóa và phát triển cơ thể. Vậy cường giáp có nguy hiểm không? Bài viết này Viện Giáp Vú Gan sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

1.Bệnh cường giáp là bệnh gì?

Cường giáp hay còn được gọi cường tuyến giáp, đây là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất ra nhiều hormone giáp so với nhu cầu của cơ thể, dẫn đến tăng nồng độ hormone giáp trong máu. 

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, có hình dạng giống con bướm và nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp tiết ra các hormon giáp bao gồm Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3), tham gia vào quá trình tăng trưởng, chuyển hóa tế bào. Do đó, bất kỳ vấn đề nào xảy ra với hoạt động của tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh sức khỏe của cơ thể.

Tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone so với nhu cầu cơ thể được gọi là cường giáp

Theo các bác sĩ Viện Giáp Vú Gan, cường giáp nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tim, xương khớp, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Đặc biệt, trong quá trình mang thai, nếu bệnh không được điều trị, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

2.Nguyên nhân gây nên bệnh cường giáp

Các nguyên nhân chính gây ra bệnh cường giáp:

2.1.Basedow (bệnh Graves)

Đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp và kích thích sản xuất quá mức hormone giáp. Khoảng 70% trường hợp mắc bệnh cường giáp xuất phát từ bệnh Basedow, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ từ 20 đến 50 tuổi và có xu hướng di truyền trong gia đình.

2.2.Viêm tuyến giáp

Đây là tình trạng viêm bị viêm tuyến giáp, gây tổn thương cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp, dẫn đến hormone tuyến giáp rò rỉ ra ngoài. Cường giáp có thể kéo dài lên đến 3 tháng, sau đó cấu trúc mô của tuyến giáp có thể phục hồi về bình thường. Tuy nhiên, tuyến giáp có thể bị suy giảm hoạt động (suy giáp), có thể kéo dài từ 12-18 tháng và trong một số trường hợp có thể là vĩnh viễn.

Xem thêm: Bệnh viêm tuyến giáp có nguy hiểm không? Phân loại và cách phòng ngừa

2.3.Dung nạp quá nhiều i-ốt

Tuyến giáp cần i-ốt để sản xuất hormone giáp. Nếu tiêu thụ i-ốt vượt quá mức, tuyến giáp có thể sản xuất quá nhiều hormone giáp, gây ra tình trạng cường giáp. Một số loại thuốc như amiodarone (sử dụng trong điều trị bệnh lý tim mạch) có thể chứa nhiều i-ốt. Rong biển và các chất bổ sung có thành phần rong biển cũng là nguồn giàu i-ốt.

Tiêu thụ quá nhiều i-ốt cũng gây nên cường giáp

2.4.Dùng quá nhiều thuốc hormone giáp

Những người dùng thuốc hormone tuyến giáp trong điều trị suy giáp có thể sử dụng quá liều. Để đảm bảo an toàn, nếu sử dụng loại thuốc này nên đến gặp bác sĩ ít nhất 1 lần/ năm để kiểm tra mức độ hormone tuyến giáp trong cơ thể. Điều này giúp bạn điều chỉnh liều nếu mức hormone tuyến giáp quá cao.

Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể gây tương tác với thuốc hormone tuyến giáp, làm tăng mức độ hormone trong cơ thể. Nếu bạn đang sử dụng thuốc nội tiết tố tuyến giáp, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về các tương tác khi bắt đầu sử dụng thuốc mới.

2.5.Nhân giáp hoạt động quá mức

Nhân tuyến giáp là những cục nằm trong tuyến giáp, thường lành tính, tỷ lệ ác tính thấp. Khi các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức, chúng có thể sản xuất hormone giáp vượt quá nhu cầu của cơ thể, gây ra tình trạng cường giáp. 

3.Dấu hiệu nhận biết cường giáp

Các dấu hiệu của bệnh cường giáp bao gồm:

  • Tim đập nhanh, hồi hộp, có thể kèm đau ngực và khó thở.
  • Thân nhiệt cao hơn bình thường, người bệnh thường không chịu được nơi có nhiệt độ cao.
  • Tiêu chảy.
  • Run tay.
  • Bướu cổ do tuyến giáp phình to.
  • Sụt cân mặc dù ăn uống bình thường hoặc nhiều hơn.
  • Ra mồ hôi nhiều ngay cả khi không vận động.
  • Dễ cáu giận và lo lắng.
  • Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ.
  • Mệt mỏi, khả năng vận động giảm.

4.Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Dưới đây là những người có nguy cơ mắc bệnh: 

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
  • Thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12.
  • Bệnh tiểu đường loại 1.
  • Suy thượng thận nguyên phát và rối loạn nội tiết.
  • Sử dụng nhiều thực phẩm giàu i-ốt như tảo, rong biển, hoặc các loại thuốc chứa i-ốt như amiodarone.
  • Người lớn hơn 60 tuổi, đặc biệt là phụ nữ, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Người đã phẫu thuật tuyến giáp hoặc có các vấn đề về tuyến giáp như bướu cổ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.

5.Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?

Những người có tuyến giáp hoạt động quá mức ở giai đoạn nặng đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Bệnh mắt tuyến giáp: Gây ra các triệu chứng như chứng song thị, nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt và có thể dẫn đến mất thị lực.
  • Rối loạn nhịp tim: Có thể gây ra các vấn đề như hình thành và phát triển các cục máu đông, suy tim và các vấn đề tim mạch khác.
  • Cơn bão giáp: Đây là tình trạng cấp cứu có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
  • Biến chứng khi mang thai: Bao gồm huyết áp cao khi mang thai, cân nặng thai nhi khi sinh thấp, sẩy thai, sinh non.
  • Loãng xương: Một vấn đề khác có thể xảy ra do tuyến giáp quá hoạt động.

Cường giáp trong thai kỳ sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé

Hơn 60% trường hợp bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán. Việc lắng nghe cơ thể và nhận biết các triệu chứng sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng đe dọa tính mạng.

6.Phương pháp điều trị bệnh cường giáp

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị hiệu quả có thể đưa lượng hormone giáp trở lại mức bình thường và giảm triệu chứng cho người bệnh. Cụ thể:

6.1.Điều trị nội khoa bằng thuốc

Cường giáp có thể điều trị bằng các phương pháp nội khoa đơn giản, bệnh nhân chỉ cần tuân theo liệu trình của bác sĩ. Các  thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc chẹn beta giao cảm hoặc an thần sẽ được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là thời gian điều trị phải kéo dài liên tục từ 12 đến 18 tháng. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý ngưng uống thuốc khi không còn các triệu chứng bệnh.

6.2.Liệu pháp phóng xạ

I-ốt phóng xạ được sử dụng qua đường uống dưới dạng viên nang nhỏ chỉ sử dụng một lần. Khi vào cơ thể, i-ốt phóng xạ sẽ nhanh chóng được các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức hấp thụ. Các tế bào không hấp thụ phóng xạ sẽ bị loại bỏ qua mồ hôi, nước tiểu và phân trong vài ngày đến vài tuần. Kết quả là tuyến giáp hoặc nhân giáp thu nhỏ kích thước, làm cho nồng độ hormone tuyến giáp trong máu trở lại bình thường.

6.3.Phẫu thuật

Phẫu thuật tuyến giáp là phương pháp điều trị khỏi cường giáp vĩnh viễn. Thủ thuật này cần được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.

Cường giáp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo của bệnh cường giáp, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị ngay lập tức.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *