Cập nhật lần cuối: 25-07-24 bởi BS. Lê Lý Trọng Hưng
Bệnh tuyến giáp là căn bệnh gây rối loạn nội tiết, đặc biệt thường gặp ở nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ đang có xu hướng trẻ hóa, có hơn 50% trong số đó thường phát triển âm thầm và khó nhận diện. Vì vậy, việc tìm hiểu các đặc điểm và dấu hiệu của bệnh tuyến giáp ở nữ giúp bạn nhận diện các nguy cơ đồng thời có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
1.Những bệnh tuyến giáp ở nữ thường gặp
Do sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể và giải phẫu cũng như thay đổi sinh lý của phụ nữ là nguyên nhân gây ra các bệnh tuyến giáp. Cơ thể của nữ giới trải qua nhiều thay đổi về nội tiết hơn nam giới. Vì vậy, nữ giới chiếm tỷ lệ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn nam giới.
Một số bệnh tuyến giáp ở nữ:
- Bướu lành tuyến giáp: Là căn bệnh phổ biến, thường phát triển âm thầm và không gây triệu chứng rõ ràng. Khi bướu tăng sinh kích thước, người bệnh mới nhận thấy dấu hiệu như cổ sưng to, có khối u nổi lên, khó thở, nuốt vướng, khàn tiếng,…
- Cường giáp: Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone làm đẩy nhanh quá trình trao đổi chất. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh này như xuất hiện bướu cổ, sụt cân không rõ nguyên nhân, tim đập nhanh.
- Suy giáp: Là hệ quả của việc thiếu hụt hormone tuyến giáp làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể khiến cho người bệnh bị chán ăn, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khô da, rụng tóc,…
- Ung thư tuyến giáp: Tình trạng này xảy ra khi các tế bào tuyến giáp phát triển bất thường, dẫn đến sự xuất hiện các tế bào khối u ác tính ở tuyến giáp
Bướu lành tuyến giáp là một trong bệnh tuyến giáp phổ biến ở nữ
2.Vì sao bệnh tuyến giáp thường gặp ở nữ?
Việc trải qua các giai đoạn thay đổi hormone, thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh liên quan đến tuyến giáp ở nữ. Nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ giới cao hơn 10 lần so với nam giới bởi một số nguyên nhân khác như:
- Stress, lo âu, mất ngủ
- Hệ miễn dịch suy yếu làm thay đổi về hormone cơ thể
- Sử dụng thuốc tránh thai
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh lý liên quan đến tuyến giáp
- Thiếu hoặc thừa i-ốt
- Từng trải qua phẫu thuật, xạ trị, dùng thuốc có ảnh hưởng đến hormone.
Vì sao bệnh tuyến giáp thường gặp ở nữ
3.Một số dấu hiệu bệnh tuyến giáp ở nữ
3.1 Kinh nguyệt không đều
Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều và bất thường, có thể liên quan đến bệnh tuyến giáp. Nguyên nhân là do hormone thay đổi gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, làm cho cho các nang trứng rối loạn theo.
3.2 Bướu cổ
Phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp thường có thể đi kèm với một số biểu hiện như bướu cổ, sưng cổ. Người bệnh mắc phải tình trạng này thường do cơ thể thiếu i-ốt gây cản trở quá trình hô hấp và ăn uống.
3.3 Mệt mỏi, mất ngủ
Nếu mắc bệnh tuyến giáp, hormone suy giảm khiến lượng serotonin trong não ảnh hưởng làm cho cơ thể cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Bên cạnh đó, bệnh cường giáp còn gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
3.4 Thay đổi cân nặng
Người mắc bệnh tuyến giáp thường bị giảm cân nặng. Khi bị cường giáp, người bệnh luôn có cảm giác đói do các hormone sản sinh liên tục và dù ăn nhiều hơn nhưng vẫn bị giảm cân.
Còn với người bị suy giáp, bạn không muốn ăn và dù không ăn bạn vẫn tăng cân một cách bất thường. Vì vậy, nếu cân nặng của bạn trở nên thất thường thì có thể bạn đã bị bệnh về giáp.
3.5 Tóc, móng và da suy yếu
Khi bị suy giáp, tóc sẽ dễ bị xơ, móng dễ gãy và do trở nên khô, bong tróc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rối loạn hormone tiết ra làm cho tóc không tăng trưởng, móng yếu, dễ gãy và da mẫn cảm hơn.
3.6 Huyết áp cao
Hormone từ tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, dẫn đến tình trạng kích thích làm tăng giảm nhịp tim và sức bơm máu. Vì vậy, nếu huyết áp thất thường thì có khả năng bị rối loạn tuyến giáp.
3.7 Đau cơ khớp
Phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp thường gặp phải tình trạng đau cơ khớp. Đối với người bị cường giáp có thể bị cứng khớp, khó khăn trong việc phối hợp giữa các chi. Trong khi người mắc bệnh suy giáp thường bị tê ngứa cánh tay.
Phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp thường gặp phải tình trạng đau cơ khớp
3.8 Triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa như táo bón (người mắc bệnh suy giáp) hoặc đau bụng, tiêu chảy (đối với bệnh cường giáp).
Qua những thông tin trên Viện Giáp Vú Gan vừa chia sẻ, có thể thấy, bệnh lý tuyến giáp ở nữ giới gây ra ảnh hưởng chuyển hóa nhiều trong cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Phụ nữ nên có kế hoạch tầm soát các bệnh lý tuyến giáp hàng năm để có thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng. Đồng thời, phụ nữ cũng nên có lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa các nguy cơ mắc bệnh. Đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung đầy đủ i-ốt.