Cập nhật lần cuối: 16-11-24 bởi BS. Lê Lý Trọng Hưng
Nhịp sống hiện đại cùng thói quen tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất bảo quản và sử dụng rượu bia thường xuyên đã đẩy lá gan vào tình trạng dễ tổn thương. Do đó, chăm sóc và tăng cường chức năng gan trở thành yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe và phòng ngừa các bệnh lý liên quan. Vậy làm thế nào để cải thiện sức khỏe của gan một cách hiệu quả? Hãy cùng Viện Giáp Vú Gan tìm hiểu chi tiết qua những thông tin dưới đây.
1.Tại sao phải tăng cường chức năng gan
Gan được ví như một “nhà máy đa chức năng” với hơn 500 nhiệm vụ quan trọng để duy trì sự sống. Chức năng nổi bật của gan bao gồm chuyển hóa dinh dưỡng, giải độc, bài tiết, và dự trữ các loại vitamin và khoáng chất.
Đặc biệt, gan còn có khả năng tự phục hồi và tái tạo các tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên, khi phải đối mặt thường xuyên với các tác nhân gây hại như ô nhiễm, thực phẩm không an toàn, hóa chất độc hại hay việc tiêu thụ rượu bia, dẫn đến gan rơi vào trạng thái quá tải, dẫn đến suy giảm chức năng gan. Vì thế, bảo vệ và tăng cường chức năng gan là điều cần thiết để duy trì một lá gan khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm.
2.Các cách tăng cường chức năng gan
2.1.Hạn chế tiêu thụ rượu bia
Các bệnh lý gan liên quan đến việc lạm dụng rượu thường gặp bao gồm:
- Viêm gan cấp tính
- Suy gan cấp
- Xơ gan do rượu
Bên cạnh đó, việc uống rượu kéo dài còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng, bệnh lý não gan, và ung thư gan…
Hạn chế tiêu thụ rượu bia sẽ giúp tăng cường chức năng gan
Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo gan đang bị tổn thương
2.2.Uống thuốc đúng cách
Thuốc mang lại hiệu quả điều trị, nhưng nếu sử dụng sai cách, gan có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, chỉ nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ngứa, mệt mỏi, buồn nôn, hay vàng da, bạn cần thông báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
2.3.Chế độ dinh dưỡng cân đối giúp tăng cường chức năng gan
Các chuyên gia y tế khuyến nghị bổ sung thực phẩm hỗ trợ chức năng gan như bưởi, việt quất và các loại cá giàu omega-3. Đồng thời, rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt nên được ưu tiên trong chế độ ăn, giúp cải thiện tiêu hóa và thúc đẩy quá trình thải độc của gan.
Bên cạnh đó, hãy lựa chọn các thực phẩm như trứng, sữa, phô mai, thịt bò, thịt gà, quả bơ và dầu ô liu – nguồn cung cấp protein nạc, chất béo lành mạnh.
Đặc biệt, người mắc bệnh gan cần duy trì đủ lượng nước hàng ngày, một thói quen đơn giản nhưng hiệu quả để tăng cường chức năng thải độc của gan.
Ngoài ra, cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp hoặc nhiều dầu mỡ. Những loại thực phẩm này chứa lượng lớn chất béo, đường và muối, có thể gây tổn hại gan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm gan hoặc gan nhiễm mỡ nếu sử dụng lâu dài.
Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối cho gan
2.4.Luyện tập thể dục thể thao đều đặn
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn chính là bí quyết để bảo vệ lá gan khỏe mạnh. Các hoạt động thể chất không chỉ giảm tải áp lực lên gan mà còn tăng cường năng lượng và hỗ trợ phòng ngừa béo phì – một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu dẫn đến bệnh gan. Hãy dành ra khoảng 150 phút mỗi tuần cho các bài tập như đi bộ nhanh hay bơi lội để chăm sóc gan hiệu quả.
2.5.Quan hệ tình dục an toàn
Quan hệ tình dục an toàn không chỉ bảo vệ bạn và bạn tình khỏi các nguy cơ bệnh lý lây qua đường tình dục, mà còn giúp bảo vệ gan khỏi những tổn thương. Chẳng hạn, viêm gan C có thể lây truyền trực tiếp và gây ảnh hưởng lâu dài đến chức năng gan.
2.6.Tiêm phòng các bệnh lý về gan
Hiện nay, chỉ có vaccine phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B, còn viêm gan C vẫn chưa có vaccine. Tuy nhiên, nhờ chiến lược tiêm chủng rộng rãi, tỷ lệ nhiễm viêm gan virus B đã giảm đáng kể, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là kết quả khả quan, chứng minh hiệu quả rõ rệt của chương trình tiêm chủng.
2.7.Kiểm tra chức năng gan định kỳ
Kiểm tra gan định kỳ giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến chức năng gan và quá trình chuyển hóa qua các xét nghiệm sinh hóa, từ đó đánh giá được tình trạng hoạt động của gan. Nếu bạn thường xuyên uống rượu hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh gan, việc thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác là rất quan trọng. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, gia tăng tuổi thọ và đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn.
2.8.Duy trì cân nặng
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Mỹ (AASLD), việc giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng gan. Đối với bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và những người bị béo phì, việc giảm từ 3-5% trọng lượng cơ thể có thể giúp giảm sự tích tụ chất béo trong gan. Nếu giảm từ 7-10% trọng lượng cơ thể, có thể cải thiện các triệu chứng khác của bệnh gan không do rượu như viêm và xơ hóa.
Giảm cân là yếu tố then chốt giúp hỗ trợ cải thiện chức năng gan
2.9.Thường xuyên rửa tay
Virus viêm gan A có thể truyền qua đường ăn uống, do đó, việc duy trì vệ sinh an toàn thực phẩm và rửa tay thường xuyên là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm.
2.10.Hạn chế tiếp xúc chất độc, hóa chất gây hại cho gan
Các hóa chất không chỉ thâm nhập vào cơ thể qua miệng mà còn qua mũi và da, và gan sẽ chịu trách nhiệm xử lý chúng. Nếu bạn tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong công việc hoặc trong sinh hoạt, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ thể để tránh bị phơi nhiễm. Nhiều sản phẩm gia dụng hiện nay chứa các chất độc có thể gây hại cho gan.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên chọn các sản phẩm làm sạch có nguồn gốc hữu cơ và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học trong làm vườn. Trong trường hợp phải sử dụng các hóa chất trong nhà, hãy luôn đeo khẩu trang và đảm bảo không gian được thông thoáng.
Việc tăng cường chức năng gan là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe lá gan, ngăn ngừa tình trạng suy giảm và duy trì sự khỏe mạnh lâu dài. Hy vọng những thông tin mà Viện Giáp Vú Gan vừa chia sẻ giúp bạn có lá gan khỏe mạnh, phòng ngừa các vấn đề về gan.